Theo dòng lịch sử Ân_điển

Vào cuối thời kỳ Tân Ước, hội thánh trải qua nhiều thay đổi trong mối quan hệ với bối cảnh xã hội và với Đế quốc La Mã, cơ cấu quyền lực bao trùm lên toàn lãnh thổ trên đó phong trào Cơ Đốc đang phát triển. Những thay đổi này đem hội thánh ra khỏi giai đoạn bị bách hại và bị nhìn xem là một mối đe doạ thường trực để bước vào một thời kỳ mới khi Hoàng đế Constantine ra lệnh chấm dứt các cuộc bách hại và nhìn nhận Cơ Đốc giáo là một tôn giáo hợp pháp. Hơn nữa, Hoàng đế La Mã còn tích cực quan tâm đến phương cách điều hành giáo hội, ông triệu tập Công đồng Nicea (công đồng đầu tiên của giáo hội) để giải quyết những bất đồng thần học về học thuyết Arius. Nhiều sử gia tin rằng hoàng đế muốn khuyến khích sự hiệp nhất trong hội thánh vì tin rằng điều này sẽ giúp bảo toàn sự thống nhất của đế quốc.

Lịch sử Cơ Đốc giáo trong giai đoạn này là một sự đảo ngược của số phận. Không còn là một thiểu số bị khước từ, cộng đồng Cơ Đốc đang nắm trong tay một sức mạnh chính trị. Giới cầm quyền quan tâm đến việc chọn lựa các nhà lãnh đạo hội thánh. Hoàng đế thì can thiệp để giải quyết những bất đồng của giáo hội. Nhiều người ngoại đạo, nhận thấy thiện cảm hoàng đế dành cho hội thánh, mau chóng xếp hàng xin gia nhập.

Đây là lúc bắt đầu thời kỳ suy tàn của Đế quốc La Mã như là một thực thể quyền lực thống nhất. Xuất hiện sự chia rẽ văn hoá giữa Đế quốc La Mã phương Đông sử dụng ngôn ngữ Hi Lạp và Đế quốc La tinh ở phương Tây. Cũng xuất hiện những phân cách quan trọng về kinh tế và quân sự giữa phương Đông tương đối thịnh vượng và phương Tây khá là tả tơi. Tình trạng bất đồng này dẫn đến sự sụp đổ của Đế quốc La tinh trong vòng gần hai trăm năm. Biến cố này cũng ảnh hưởng đến vận mệnh của Cơ Đốc giáo.

Sự thay đổi trong mối quan hệ với Đế quốc La Mã và với giới cầm quyền cũng làm thay đổi trọng tâm của các học thuyết của hội thánh. Khi hội thánh còn là một cộng đồng bị đặt ngoài vòng pháp luật, các tác phẩm của họ tập chú vào tính hợp pháp luận bàn về sự tự do của tín hữu Cơ Đốc trong khung cảnh của một xã hội không Cơ Đốc rộng lớn hơn. Nhưng khi giáo hội trở nên một định chế đầy quyền lực và đang tiếp nhận nhiều đặc ân của chính quyền, trong thực tế là một công cụ của Đế quốc, xem ra điều quan trọng hơn đối với họ trong lúc này là cần tập chú vào nguy cơ mà thuyết vô luật pháp (antinomianism) gây ra, nhằm chống đỡ thẩm quyền của giáo hội trong một đế quốc đang dần tan rã, và như thế phát triển các giáo thuyết giúp gia tăng quyền lực của giáo hội.

Cơ Đốc giáo phương Tây

Theo Cơ Đốc giáo phương Tây, ân điển là sự nhân từ của Thiên Chúa dành cho loài người. Ân điển là đặc ân của Thiên Chúa. Không ai có thể giành được hoặc xứng đáng hoặc có thể dùng công đức mà đổi lấy ân điển. Không ai có quyền đòi hỏi ân điển. Ân điển là món quà siêu nhiên Thiên Chúa ban cho loài người để họ nhận lãnh sự cứu rỗi vĩnh cửu. Sự cứu rỗi vĩnh cửu tự nó là phước hạnh của thiên đàng vì được ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong ba ý niệm nền tảng - tội lỗi, sự cứu chuộc, và ân điển – ân điển là phương tiện, được thiết lập bởi Thiên Chúa, để đem đến cho con người sự cứu chuộc khỏi tội lỗi qua Chúa Cơ Đốc hầu con người hưởng sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng.

Ân điển là món quà siêu nhiên của Thiên Chúa mà chúng ta cần có để có thể nhận lãnh sự cứu rỗi đời đời gồm có ân điển thánh hóa, các phẩm hạnh, các ân tứ của Chúa Thánh Linh và ân điển hiện thực. Ân điển có hai hình thức, Ân điển hiện thực và Ân điển thánh hoá.

Ân điển hiện thực là sự soi sáng nhất thời tâm trí hoặc củng cố sức mạnh ý chí để thực hiện các hành động siêu nhiêu nhằm giúp chúng ta đạt được, duy trì hay tăng trưởng trong ân điển thánh hoá. Ân điển thánh hoá là tình trạng siêu nhiên lan toả trong linh hồn nhằm giúp chúng ta dự phần vào sự sống thiên thượng, ngụ ý sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, đấng ngụ cư trong lòng tín hữu. Khi chúng ta phạm trọng tội, Chúa Thánh Linh sẽ rời bỏ chúng ta và chúng ta sẽ đánh mất ân điển thánh hoá.

Ân sủng và Công đức

Một số giáo hội thuộc Ki tô giáo phương Tây, đặc biệt là Công giáo, tin rằng ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người theo ý ngài. Tín hữu được nhận lãnh ân sủng qua việc tham dự các bí tích của giáo hội. Khái niệm cho rằng các bí tích có tác dụng chuyển tải ân sủng Thiên Chúa dẫn đến việc cần có hàng giáo phẩm được truyền chức bởi giáo hội để cử hành Bí tích. Ân sủng được nhận lãnh qua Bí tích giúp dẫn dắt tín hữu vào cuộc sống cao đẹp hơn cũng như giúp sâu nhiệm hoá đức tin. Thêm vào cho ân sủng thánh hoá là công đức có được bởi các việc lành; bởi công đức này, tín hữu có thể nhận lãnh sự ban thưởng từ Thiên Chúa.

Ngược lại, tội lỗi làm ảnh hưởng công đức chúng ta có trước Thiên Chúa. Các trọng tội không chỉ xoá hết công đức mà còn dập tàn ân sủng thánh hóa trong linh hồn các tín hữu đã chịu rửa tội (báp têm), vì vậy những người này cần được nhận bí tích hoà giải(penance) trong khi những tội nhẹ hơn chỉ làm sút giảm phần công đức. Người mang tội trọng phải xuống hỏa ngục; người không đủ công đức để lên thiên đàng thì vào luyện Ngục, nơi đó họ vẫn còn có cơ hội được xoá hết tội lỗi của mình.

Cơ Đốc giáo phương Đông

Tại phương Đông, Ki tô giáo xem ân sủng là quyền lực của Thiên Chúa, hoặc là sự thể hiện quyền năng của Thiên Chúa để tha thứ và chữa lành tâm linh con người. Các Bí tích(sacrament) là "phương tiện của ân sủng" bởi vì Thiên Chúa chỉ hành động qua hội thánh. Ân sủng là hành động do chính Thiên Chúa thể hiện, không phải là một thực thể được tạo dựng, nên không thể được xem là một loại hàng hóa.[11][12] Không có sự phân biệt giữa tội đáng chết và tội không đáng chết, không có giáo lý Ngục luyện tội (chỉ xuất hiện ở phương Tây sau cuộc Đại Ly giáo xảy ra vào thế kỷ 11), cũng không có "sự tồn trữ công đức thặng dư". Thay vào đó, các giáo hội phương Đông nhấn mạnh vào vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc và duy trì nếp sống khổ hạnh như kiêng ăn và bố thí, không phải là cách thức bày tỏ sự ăn năn hối cải về tội lỗi đã phạm, cũng không phải để tích luỹ công đức, nhưng là một biện pháp kỷ luật tâm linh nhằm giúp ngăn giảm tội lỗi trong tương lai, giúp tự chủ bản thân và tránh bị bắt phục bởi dục vọng.

Thần học Chính Thống giáo không chấp nhận khái niệm ân điển không thể cưỡng chống, nhưng dạy rằng con người cần sử dụng ý chí tự do của mình để hợp tác với ân điển thiên thượng để được cứu rỗi, và gọi đó là thuyết đồng vận.[11][13]

Kháng Cách

Trước khi đề cập đến những phê phán của Cuộc Cải cách Kháng Cách đối với ý niệm cho rằng ân điển là một loại tiền tệ tâm linh, cần phải lưu ý đến những lợi ích của ý niệm này. Ý niệm đã giúp gây dựng giáo hội bằng cách cung cấp cho con người sự dạy dỗ tỏ tường rằng mọi hành động phục vụ giáo hội sẽ được ban thưởng bởi Thiên Chúa. Nó cũng nhấn mạnh đến hậu quả tàn khốc của tội lỗi, cùng lúc bảo đảm rằng các thánh lễ của giáo hội có giá trị tha thứ tội lỗi phạm phải sau khi chịu rửa tội và giúp dẫn dắt tín hữu trở về với ân điển.

Trong khi đó, cũng cần xét xem khái niệm cho rằng ân điển là một loại tiền tệ tâm linh có phù hợp với sự dạy dỗ của Tân Ước hay không. Có thể thấy giáo lý này đôi khi đã trở thành đối tượng của một vài lạm dụng.

Martin Luther năm 1529, tranh của Lucas Cranach.

Nguyên nhân trực tiếp khiến Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Wittenberg năm 1517 là tư tưởng tuân giữ thánh lễ cách máy móc và giáo lý tồn trữ công đức của giáo hội thời trung cổ. Hành động này được đẩy nhanh hơn khi Johann Tetzel đến thành phố Wittenberg, được phép của Vatican, rao bán chứng chỉ xá tội (indulgences).

Sự linh nghiệm của chứng chỉ xá tội đã được khẳng định dựa trên giáo lý về tồn trữ ân điển được công bố bởi Giáo hoàng Clement VI, cho rằng công đức có được bởi những hành động xuất phát từ lòng sùng tín sẽ làm gia tăng số lượng ân điển được tích lũy. Hành động khởi phát từ lòng sùng tín là những đóng góp dành cho giáo hội. Hơn nữa, giáo hội đã tích luỹ số lượng ân điển vượt quá nhu cầu cần có để đem tín hữu vào thiên đàng. Vì vậy, giáo hội muốn chia sẻ phần thặng dư của mình để nhận lại vàng bạc thế gian. Sự giận dữ của Martin Luther khi ông chống lại quan điểm này – đối với Luther, điều này chẳng khác gì buôn bán sự cứu rỗi – là sự trở lại với quan điểm thần học về ân điển của Phao-lô.

Theo lời dạy của Luther, khi đối diện với sự công chính tuyệt đối của Thiên Chúa, con người bị đặt trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng và vô phương biện hộ. Nếu Thiên Chúa chỉ có đức công bình mà không có lòng thương xót, mọi người đều phải chịu trừng phạt nơi hoả ngục. Bởi vì tất cả mọi người, ngay cả những người tốt nhất, cũng chỉ xứng đáng chịu đọa đày nơi địa ngục. Con người không có khả năng đạt được sự cứu rỗi bằng nỗ lực của chính mình, vì ngay cả những ý định cao quý nhất của con người cũng bị vấy bẩn bởi bản chất tội lỗi. Học thuyết này còn được gọi là sự sa ngã hoàn toàn (total depravity), một thuật ngữ đến từ thần học Calvin.

Ấy là chỉ bởi đức tin (sola fide) và chỉ bởi ân điển (sola gratia) mà con người được cứu. (Xem Năm Tín lý Duy nhất). Việc lành là hành động khởi phát từ lòng biết ơn hướng về Cứu Chúa; việc lành không phải là điều kiện để được cứu, càng không thể làm cho con người được cứu rỗi. Vì vậy, trong thần học về sự cứu rỗi của Luther không có chỗ cho ý niệm công đức. Chỉ có ân điển của Thiên Chúa mới cứu được con người, không phải bởi công đức cũng không phải bởi nỗ lực của con người. Không ai có thể cho rằng mình có quyền hưởng ân điển của Thiên Chúa. Ấy chỉ bởi lòng độ lượng của Thiên Chúa mà con người được cứu rỗi.

Sự cứu rỗi theo thần học Luther khởi đầu bằng sự công nhận tình trạng phá sản tâm linh, người ăn năn tội phải thừa nhận sự bất lực hoàn toàn của mình để tin cậy vào Thiên Chúa mà được cứu, và nhận biết rằng sự đoán phạt dành cho tội lỗi của mình đã được cất bỏ bởi vì Chúa Giê-xu đã trả giá cho điều đó bằng huyết của ngài. Nhờ vậy mà sự công chính của Chúa Giê-xu được dành cho những ai thuộc về ngài.